1. Cách nấu mì Quảng Đà Lạt có gì khác biệt?

Nếu đã từng có dịp ghé thăm xứ sở ngàn hoa và thưởng thức mì Quảng thì chắc hẳn không thể nào quên được hương vị đặc trưng này. Đặc biệt trong cái tiết trời se lạnh của Đà Lạt thì thì một tô mì Quảng thơm phức, đậm đà và nóng hổi thì còn gì tuyệt vời bằng.

So với mì Quảng gốc của Quảng Nam thì nước dùng mì Quảng Đà Lạt cũng có màu đặc trưng của màu dầu điều. Nhưng vì đây là vùng núi cao nên phổ biến nhất là nấu với thịt heo, sườn heo chứ không phải lúc nào cũng dùng tôm, mực như xứ Quảng.

Thêm một điều khác biệt nữa đó là mì Quảng ở đây còn thêm chút hành cho thơm và chút chanh cho dịu nhẹ. Trong nước dùng còn có thêm cả hành tây, củ sẵn xắt nhỏ đem hầm để tăng thêm hương vị ngọt thơm. Rau ăn kèm thì phải có xà lách và bắp cải bào sợi.

mì quảng Đà Lạt
Mì Quảng Đà Lạt không quá khác nhiều so với mì Quảng gốc. Ảnh: Internet

2. Hướng dẫn cách nấu mì Quảng Đà Lạt ngon chuẩn vị

2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • Sợi mì Quảng tươi: 1kg
  • Sườn non: 500g
  • Thịt ba rọi: 500g
  • Tôm khô: 50g
  • Su su: 30g
  • Củ sắn: 300g
  • Hành tây: 1 củ
  • Hành tím: 5 củ
  • Hạt điều màu: 2 thìa canh
  • Mắm ruốc: 2 thìa canh
  • Dầu ăn: 3 thìa canh
  • Hành lá: vài nhánh (thái khúc ngắn)
  • Gia vị thông dụng
  • Đậu phộng rang, bánh đa nướng
  • Rau ăn kèm (bắp cải Đà Lạt, xà lách, rau thơm, húng lủi, húng quế, giá,…)
Nguyên liệu mì quảng Đà Lạt
Nguyên liệu nấu mì Quảng Đà Lạt cực kì đơn giản. Ảnh: Internet

2.2. Sơ chế thịt ba rọi và sườn non

Sườn non mua về chặt khúc vừa ăn, rửa sạch đem ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút rồi xả lại nhiều lần với nước sạch. Hoặc có thể khử mùi hôi bằng hỗn hợp giấm và muối. Sau đó chần sơ qua nước sôi vài phút, vớt ra rửa lại cho sạch và để ráo.

Thịt ba rọi cạo sạch lông, rửa với nước muối hoặc hỗn hợp muối giấm. Đem trụng sơ qua nước sôi, vớt ra rửa sạch, để ráo và thái miếng vừa ăn.

Cho cả thịt và sườn vào tô cùng 1 thìa canh hành tím băm, 1 thìa cà phê muối, 1.5 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê dầu ăn. Trộn đều, ướp khoảng từ 15 – 20 phút.

sơ chế sườn và thịt ba rọi
Sơ chế thịt ba rọi và sườn non. Ảnh: Internet

2.3. Sơ chế các nguyên liệu khác

  • Tôm khô cho vào tô nước nóng ngâm cho mềm rồi vớt ra rửa lại cho sạch và để ráo. Sau đó cho vào máy xay sơ hoặc cho vào cối giã nhỏ.
  • Củ sắn, su su và hành tây gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu. Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ.
  • Giá đỗ rửa sạch, để ráo. Xà lách loại bỏ lá hư, tách bẹ, ngâm nước muối 2 phút, rửa sạch và để ráo.
  • Các loại rau ăn kèm khác cũng nhặt rửa sạch, để ráo nước, riêng bắp cải thì bào sợi.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Sơ chế các nguyên liệu khác. Ảnh: Internet

2.4. Xào tôm khô với mắm ruốc

  • Cho 3 thìa canh dầu ăn vào nồi bắc lên bếp đun nóng. Sau đó cho thêm 2 thìa canh hạt điều màu vào đảo đều đến khi hạt ra màu thì vớt ra.
  • Cho hành tím băm vào phi vàng thơm rồi thêm tôm khô vào đảo đều khoảng 1 phút. Khi tôm săn lại thì đổ mắm ruốc vào đảo thêm 30 giây nữa là được.
Xào tôm khô với mắm ruốc
Xào tôm khô với mắm ruốc. Ảnh: Internet

2.5. Xào các nguyên liệu và nấu nước dùng

  • Cho thịt ba rọi, sườn non vào hỗn hợp tôm khô xào khoảng 30 giây. Nêm thêm 1 thìa canh đường, 1 thìa cà phê hạt nêm và một ít bột ngọt.
  • Khi thịt sườn đã ngấm gia vị thì cho hành tây, su su, củ sắn vào đảo đều. Nấu trong khoảng 10 phút để các nguyên liệu chín mềm.
  • Sau 10 phút thì đổ khoảng 1 lít nước vào đun sôi, khi nước đã sôi thì vặn lửa thật nhỏ. Đun tiếp cho sườn mềm, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, cho hành lá vào và tắt bếp.
nấu nước dùng
Nấu nước dùng mì Quảng. Ảnh: Internet

2.6. Trình bày và thưởng thức mì Quảng Đà Lạt

  • Mì Quảng đem trụng sơ qua nước sôi, vớt ra để ráo và cho vào tô. Chan nước dùng cùng với thịt ba rọi, sườn non, tôm khô và các loại củ. Rắc thêm đậu phộng rang lên, bẻ bánh đa vào và ăn kèm các loại rau.
  • Món mì Quảng Đà Lạt có màu sắc hấp dẫn của màu dầu điều, mùi thơm phức và nước dùng ngọt thanh đậm đà. Thịt ba rọi, sườn non và các loại củ được ninh mềm kết hợp với sợi mì dai mềm càng ăn càng ghiền.
Cách nấu mì quảng Đà Lạt chuẩn vị
Thành phẩm mì Quảng Đà Lạt trông vô cùng hấp dẫn. Ảnh: Internet

3. Cách nấu mì Quảng Đà Lạt cần lưu ý những gì?

  • Thịt ba rọi nên chọn miếng có cả nạc lẫn mỡ để khi ăn không bị quá khô hoặc quá ngấy. Thịt có độ đàn hồi tốt, màu đỏ hồng xen kẽ mỡ trắng và không có mùi hôi bất thường.
  • Sườn non nên chọn miếng sườn nhỏ dẹt, màu hồng nhạt. Phần thịt săn chắc, không có mùi lạ và tỷ lệ nạc mỡ vừa phải.
  • Thịt heo, sườn non nên chần sơ với nước sôi trước khi nấu để loại bỏ mùi hôi lẫn bụi bẩn. Như vậy nước dùng sẽ được trong và thơm hơn.
  • Trong quá trình nấu nước dùng thì nhớ vớt bỏ bọt thường xuyên để nước dùng trong.
  • Nếu không có mắm ruốc có thể thay thế bằng nước mắm. Ngoài ra thêm ít nạc băm nhỏ vào xào cùng cũng rất ngon.
  • Khi trụng mì xong phải để thật ráo nước mới cho vào tô. Nếu không sẽ làm sợi mì bị nhạt, không ngấm vào hương vị đậm đà của nước dùng.
thịt ba rọi
Thịt ba rọi chọn miếng có tỉ lệ mỡ nạc đều nhau. Ảnh: Internet

Với nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm cùng các bước thực hiện đơn giản đã có ngay một tô mì Quảng Đà Lạt thơm ngon không kém ngoài tiệm rồi nhé. Chẳng cần phải đến Đà Lạt xa xôi vẫn có thể tự làm tại nhà món mì Quảng để thưởng thức cùng gia đình. Thật tuyệt vời phải không nào? Vậy thì nhanh tay lưu lại công thức trên như Cachnau.vn chia sẻ và vào bếp trổ tài ngay thôi. Chúc bạn thành công!

Lê Vy